Thoát vị bẹn ở trẻ em là bệnh gì? Có thể tự khỏi không?

Hình ảnh thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh thường gặp ở trẻ em. Thoát vị bẹn tưởng chừng đơn giản nhưng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu cha mẹ chủ quan, không điều trị kịp thời.​

1. Thoát vị bẹn là gì?

Trong thời kỳ phôi thai, vào khoảng tháng thứ bảy, khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc. Bình thường khi trẻ sinh ra thì ống này đóng lại nhưng do một nguyên nhân nào đó mà ống không đóng lại sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan trong ổ bụng như ruột, buồng trứng (ở bé gái) có thể chui vào gây ra bệnh thoát vị bẹn

Bệnh gặp ở 2 - 5% trẻ em. Ở trẻ sinh non tần suất còn cao hơn, đến 30% tùy theo tuổi thai.

Bệnh gặp ở cả hai giới nhưng bé trai có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn bé gái 3-10 lần.

Bệnh có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên bẹn của trẻ, thường gặp ở bên phải (60%) hơn so với bên trái (25%), hoặc có khi bé bị cả hai bên (15%).

2. Dấu hiệu phát hiện thoát vị bẹn ở trẻ

Thoát vị bẹn ở trẻ em có những biểu hiện sau đây:

  • Xuất hiện một khối u phồng ở vùng bẹn của trẻ. Ở bé trai khối phồng này còn lan đến vùng bìu, ở bé gái là vùng mu - môi lớn. Nếu trẻ nằm yên rất khó phát hiện khối phồng vì khi đó khối thoát vị (dịch ổ bụng hoặc ruột) lại chui về ổ bụng, vùng bẹn của trẻ trở về trạng thái bình thường. Kích thước khối phồng sẽ tăng lên khi trẻ vận động mạnh, chạy nhảy, ho, quấy khóc hoặc rặn. Có thể nhìn thấy khối thoát vị chuyển động dọc theo ống bẹn khi trẻ chạy nhảy.

Hình ảnh thoát vị bẹn ở trẻ nam và trẻ nữ

  • Nắn vào vùng phồng sờ được túi thoát vị. Khối thoát vị mềm, nắn không đau. Có thể đẩy khối thoát vị di chuyển.
  • Bệnh nặng hơn là khi khối thoát vị bị nghẹt, không trở lại ổ bụng được, khiến cho vùng u phồng có thể sưng đau, kèm theo đó là những cơn quặn đau bụng dữ dội, bụng trướng, táo bón, trẻ quấy khóc, nôn hoặc buồn nôn.

Một số bệnh cũng có biểu hiện ở vùng bẹn và bìu mà trẻ có thể mắc phải như: xoắn tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, viêm tấy vùng ống bẹn bìu, viêm tinh hoàn... Nếu thấy trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ cần cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Dựa trên những biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm hỗ trợ, các bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng bệnh và đưa ra phương án điều trị hiệu quả.

3. Thoát vị bẹn có thể tự khỏi được không?

Thoát vị bẹn ở trẻ là bệnh lý bẩm sinh, không tự khỏi được. Nếu không điều trị sẽ xảy ra biến chứng nghẹt dẫn đến các hậu quả sau:

  • Ruột, buồng trứng (ở trẻ gái) trong ổ bụng có thể chui vào ống phúc tinh mạc gây nghẹt dẫn đến hoại tử ruột, hoại tử buồng trứng nếu không được mổ kịp thời.
  • Tổn thương tinh hoàn: mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép do nội tạng bị nghẹt dẫn đến teo tinh hoàn

Phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh lý này là phẫu thuật. Khuynh hướng hiện nay là giải quyết sớm khi phát hiện bệnh để đề phòng biến chứng nghẹt. Nghĩa là mọi lứa tuổi (trừ trường hợp bé sinh non hoặc có bệnh lý nặng đi kèm) đều có thể phẫu thuật thoát vị bẹn. 

Trước đây phẫu thuật thoát vị bẹn thường được mổ mở (mổ phanh). Những năm gần đây phẫu thuật nội soi ngày càng được áp dụng rộng rãi trong điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em. Ưu điểm lớn nhất của phẫu thuật nội soi là phẫu thuật viên dễ dàng nhận thấy ống dẫn tinh và mạch máu nuôi tinh hoàn, đồng thời có thể khâu lại ống phúc tinh mạc (nguyên nhân gây thoát vị bẹn ở trẻ em) mà không đụng chạm đến ống dẫn tinh hoặc mạch máu nuôi tinh hoàn. Chính vì vậy phẫu thuật nội soi tránh được 2 biến chứng nguy hiểm là tắc ống dẫn tinh hoặc teo tinh hoàn, những biến chứng có thể gặp trong khi mổ mở.

Ngoài ra nội soi cũng cho phép đánh giá tình trạng ống phúc tinh mạc bên đối diện và khâu kín ngay nếu nó còn mở. Vì vậy có thể ngăn ngừa hiện tượng thoát vị bẹn ở bên đối diện.

Phương pháp phẫu thuật tốt nhất hiện nay trong điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em là Phẫu thuật nội soi 1 lỗ không để lại sẹo. Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng kỹ thuật này, cho tới nay đã có hơn 3000 trẻ được phẫu thuật bằng phương pháp này cho kết quả rất tốt.

Để được tư vấn thăm khám và điều trị cho trẻ bị thoát vị bẹn, Quý Khách có thể liên hệ với khoa ngoại nhi bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, ĐT 0868 688 838

XEM THÊM:

​Thạc sĩ, Bs Hoàng Văn Bảo

Khoa Phẫu thuật Nhi BV Xanh Pôn