Điều trị táo bón ở trẻ em

Táo bón khá thường gặp ở trẻ em. Việc điều trị táo bón ở trẻ em đòi hỏi sự kết hợp tốt giữa gia đình và bác sĩ.

1. Thế nào là táo bón ?

Hiện còn có nhiều cách hiểu và định nghĩa về táo bón ở trẻ em (Rome I, II, III ...). Tuy nhiên có thể coi trẻ bị táo bón khi có một trong các vấn đề sau:

  • Số lần đại tiện < 3 lần/tuần
  • Khó đi đại tiện hoặc phải rặn nhiều
  • Đau hậu môn khi đi đại tiện, đôi khi có máu quanh phân do nứt kẽ hậu môn
  • Phân rắn khô, lổn nhổn
  • Trẻ có thể có thêm các biểu hiện như đau bụng, chướng bụng, chán ăn, mệt mỏi, suy dinh dưỡng, thay đổi hành vi, tính tình.
  • Táo bón ở trẻ em ở độ nặng tạo nên cục phân to, rắn đọng trong trực tràng có thể gây nên biểu hiện són phân giả hiệu: thỉnh thoáng có chút phân lỏng thoát qua hậu môn làm bẩn quần lót.

2. Nguyên nhân của táo bón là gì ?

Táo bón có thể do 2 nhóm nguyên nhân :

  • Táo bón không do bệnh thực thể: do thuốc, do chế độ ăn, thay đổi môi trường (bắt đầu đi học), nhà vệ sinh bẩn và có mùi, cô giáo không cho đi đại tiện khi đến lớp, trẻ cố nhịn đi đại tiện do những lần đi trước bị đau...
  • Táo bón do một bệnh nền như suy giáp trạng, tổn thương thần kinh, bệnh không có tế bào thần kinh của thành đại tràng ( phình đại tràng do không có tế bào thần kinh), lạc chỗ hoặc hẹp hậu môn, bệnh xơ hóa tuyến ngoại tiết.

3. Những xét nghiệm nào con tôi cần làm?

Các xét nghiệm có thể phải làm là:

  • Chụp X quang ổ bụng
  • Chụp đại tràng có bơm thuốc cản quang
  • Đo áp lực hậu môn trực tràng
  • Chụp lưu thông đường tiêu hóa
  • Thử máu: định lượng nội tiết tố tuyến giáp khi nghi ngờ có suy giáp
  • Sinh thiết trực tràng

4. Điều trị táo bón như thế nào?

Điều trị táo bón do có bệnh thực thể

Phải điều trị các bệnh gây táo bón như điều trị thuốc cho suy giáp trạng, phẫu thuật cho bệnh phình đại tràng bẩm sinh do đại tràng không có tế bào thần kinh hay dị tật hậu môn.

Điều trị táo bón cơ năng

- Loại bỏ các yếu tố tâm lí, thay đổi môi trường bất lợi

- Chế độ ăn uống

Trẻ bị táo bón nên uống nhiều nước để cải thiện tình trạng bệnh
  • Ăn nhiều chất xơ như trái cây: mận, mơ, táo, ăn súp rau. Tránh các loại kẹo bánh có chứa cacao, đồ rán, đồ có nhiều đường
  • Uống nhiều nước. Số lượng nước theo cân nặng cơ thể như sau:
    1-10kg: 100ml/1kg trọng lượng cơ thể
    11-20kg: 1000ml +50ml/1 kg trọng lượng cơ thể
    20kg: 1500ml + 50ml/1 kg trọng lượng cơ thể.
  • Tránh đồ uống có ga. Nên uống nước mận, nước táo. Trẻ nhỏ có thể uống các loại sữa chống táo bón.
  • Tạo khói quen đi đại tiện vào những giờ nhất định trong ngày, khuyến khích động viên trẻ.

Thuốc :

- Thuốc nhuận tràng có tác dụng kéo nước vào trong lòng ruột làm loãng phân.
- Thuốc tăng cường nhu động ruột.
- Kích thích nhu động ruột hoặc làm dãn cơ thắt hậu môn bằng các máy kích thích điện hoặc phản hồi sinh học.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, Quý Khách có thể liên hệ ĐT 0868 688 838

Thạc sĩ Hoàng Văn Bảo

Khoa Phẫu thuật nhi BV Xanh Pôn Hà Nội