U nang ống mật chủ - PGS. TS Trần Ngọc Sơn

Bài viết được viết bởi Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Sờn - Trưởng khoa Phẫu thuật nhi bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội

U nang ống mật chủ là bệnh khá phổ biến ở châu Á, nhất là Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị.

1. U nang ống mật chủ là gì?

U nang ống mật chủ là hiện tượng dãn to ≥ 1cm, bẩm sinh của ống mật chủ

 

Bệnh nang ống mật chủ

2. Biểu hiện của u nang ống mật chủ là gì?

  • Biểu hiện của u nang ống mật chủ khác nhau tùy theo tuổi
  • Ở trẻ mới sinh và trẻ nhỏ bệnh thường được biểu hiện bằng vàng da hay khối u bụng. Biểu hiện đau bụng ít gặp hơn
  • Ở trẻ lớn biểu hiện hay gặp là nhiều lần đau bụng, đôi khi có thể kèm theo sốt, vàng mắt, vàng da (viêm đường mật)

Ngày nay với sự phát triển của siêu âm trước sinh, đa số các trường hợp u nang ống mật chủ đều được phát hiện trước sinh

Vàng da là biểu hiện thường gặp của bệnh nang ống mật chủ ở trẻ em

3. Những xét nghiệm gì cần làm khi trẻ bị u nang ống mật chủ ?

  • Siêu âm là xét nghiệm thường quy nhằm đánh giá hình thái của ống mật chủ và hệ thống đường mật
  • Chụp cộng hưởng từ: là kĩ thuật hiện đại cho phép đánh giá chính xác hình ảnh của hệ thống đường mật đặc biệt là kênh chung của đoạn cuối ống mật và ống tụy
  • Các xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan

4. Những biến chứng gì xảy ra nếu u nang ống mật chủ không được điều trị?

  • Viêm đường mật do nước mật bị nhiễm trùng
  • Xơ gan do viêm đường mật tái phát và ứ mật
  • Viêm tụy cấp
  • Chảy máu đường mật do thành đường mật bị viêm loét.
  • Ung thư đường mật.

5. Khi nào cần phải tiến hành phẫu thuật?

  • Đối với các trường hợp được chẩn đoán trước sinh không có vàng da vàng mắt có thể mổ lúc trẻ khoảng 3 tháng tuổi. Nếu kèm theo vàng mắt, vàng da mổ sớm hơn lúc 1-2 tháng tuổi
  • Đối với các trường hợp khác mổ sớm sau khi được phát hiện

6. Nguyên tắc của phẫu thuật là gì?

Nguyên tắc của phẫu thuật là cắt bỏ toàn bộ ống mật chủ sau đó tái lập lại lưu thông của mật từ gan xuống đường tiêu hóa bằng ống gan còn lại với ruột non hoặc tá tràng.

Nguyên tắc điều trị nang ống mật chủ là cắt bỏ nang và lập lại lưu thông mật xuống ruột
Trước đây phẫu thuật được tiến hành bằng mổ mở (mổ phanh) nhưng do có nhiều hạn chế như: cắt nhiều cơ, đau, hồi phục chậm, sẹo mổ xấu nên ngày nay phương pháp nội soi được áp dụng cho tất cả các trường hợp.

Nguyên tắc của phẫu thuật là cắt bỏ toàn bộ ống mật chủ sau đó tái lập lại lưu thông của mật từ gan xuống đường tiêu hóa bằng ống gan còn lại với ruột non hoặc tá tràng

7. Những biến chứng gì có thể xảy ra khi phẫu thuật?

Đây là phẫu thuật khó khăn, phức tạp. Các biến chứng có thể gặp là:

  • Chảy máu trong mổ do làm rách các mạch máu đi vào gan
  • Cắt phải ống tụy
  • Chảy máu sau mổ
  • Rò miệng nối sau mổ
  • Hẹp miệng nối
  • Viêm hoặc rò dịch tụy.

8. Diễn biến sau mổ như thế nào?

  • Trẻ sau mổ thường sẽ sốt trong ngày đầu sau mổ, 2 ngày đầu bụng thường chướng và trẻ không được ăn uông gì trong khoảng 48 - 72 giờ. 
  • Trẻ có thể được truyền dịch trong 2 - 3 ngày sau mổ sau đó chuyển sang ăn uống bằng đường miệng.
  • Thời gian nằm viện sau mổ từ 5-7 ngày.

PGS. TS. Trần Ngọc Sơn

Khoa Phẫu thuật nhi BV Xanh Pôn