NANG RUỘT ĐÔI

1. Khái niệm

- Khi hình thành đường tiêu hóa trong bào thai các phần của đường tiêu hóa từ miệng tới hậu môn có thể bị “lặp lại” hình thành các cấu trúc lặp kế bên đường tiêu hóa chính. Dạng lặp ở ruột hay nang ruột đôi là thường gặp nhất, chiếm tỉ lệ gần 70% gồm nang ruột non, nang ruột già. Các nang này có thể có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau.

Hình 1: Nang ruột đôi có dạng ống dài ở ruột non (trái)

và dạng nang to ở ruột già (phải) [Pediatric Surgery 2006]

- Các dạng khác như nang ở miệng, thực quản, tá tràng, trực tràng hiếm gặp và phương pháp điều trị cũng khác nang ruột đôi tùy tình huống. Ở đây xin chỉ nói về nang ruột đôi.

2. Triệu chứng – Biến chứng

- Tình huống thường gặp nhất trong nang ruột non đôi là trẻ bị đau bụng. Tình trạng này là do nang tiết dịch và không có đường thoát gây căng to, hay do tình trạng viêm nang. Từ đó, trẻ được siêu âm và chẩn đoán nang ruột đôi.

- Đôi khi trẻ chỉ được phát hiện bệnh khi đã có các biến chứng. Thường gặp nhất là nang ruột gây lồng ruột ở trẻ nhỏ. Trường hợp khác nang ruột có thể gây chảy máu tiêu hóa làm trẻ bị mất máu cấp hay mạn tùy mức độ. Nang quá to có thể làm chèn ép và gây tắc ruột. Hiếm gặp hơn là xoắn ruột, thủng nang gây viêm phúc mạc, xuất huyết trong nang…

- Đôi khi nang ruột non đôi có thể không có triệu chứng  gì nếu nang nhỏ và được phát hiện nhờ siêu âm trong một bệnh lý đi kèm.

- Nang ruột đôi ở ruột già cũng có các triệu chứng tương tự, có thể có thêm các triệu chứng như táo bón, tiêu chảy.

- Biến chứng ung thư hóa của nang ruột đôi nói chung rất ít gặp.

3. Chẩn đoán

- Khi có gợi ý từ lâm sàng, siêu âm sẽ được chỉ định thực hiện trước nhất cho trẻ. Ở những trường hợp khó, bác sĩ có thể chỉ định chụp CTscan bụng.

- Để phân biệt với các nang khác có thể gặp ở ổ bụng một số chất đánh dấu sinh học có thể được xét nghiệm: α-AFP, β-HCG, CA125…

4. Điều trị

- Nang ruột đôi có thể nhỏ và hoàn toàn không có triệu chứng gì, trường hợp này có thể theo dõi bé và chưa cần can thiệp ngoại khoa nào.

- Ngược lại, nếu đã có triệu chứng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, việc điều trị ngoại khoa ngay là cần thiết. Vừa loại bỏ được triệu chứng, vừa phòng ngừa được các biến chứng muộn hơn về sau.

- Cách điều trị triệt để nhất là cắt bỏ nang ruột đôi. Nếu nang ruột không chung thành với phần ruột chính có thể sẽ được bóc tách lấy đi, ngược lại nếu chung thành việc bóc tách gần như không thể và nang sẽ được cắt bỏ kèm theo đoạn ruột chính kế cận.

Hình 2: Cắt nang ruột đôi (trái) và khâu nối ruột ở ruột non (phải)

[Operative Pediatric Surgery 2013]

Hình3: Nang ruột đôi ở manh tràng trong mổ nội soi

- Khó khăn trong việc điều trị có thể gặp là nang quá dài, khi cắt bỏ kèm ruột chính sẽ làm mất đoạn ruột lớn gây hội chứng ruột ngắn. Trong tình huống này lựa chọn tốt nhất là tạo 2 lỗ thông ở đầu tận của nang và ruột chính nhằm tránh ứ động dịch và thức ăn.

Chăm sóc sau mổ:

- Nếu có cắt nối ruột, bé nhịn ăn uống tối thiểu 48 giờ và truyền dịch. Sau đó bé sẽ được cho ăn.

- Kháng sinh dự phòng sẽ ngưng sau mổ. Nếu cần thiết, kháng sinh chích sẽ được duy trì sau mổ vài ngày.

- Bé sẽ được chích và sau đó là uống thuốc giảm đau 2-3 ngày sau mổ.

= Thay băng mỗi ngày, cắt chỉ sau 7 ngày

5. Tiên lượng - theo dõi

- Đa phần các nang nhỏ được bóc tách hay được cắt bỏ kèm ruột chính có tiên lượng rất tốt. Tỉ lệ tử vong gần như bằng không. Các bé tái khám khi có vấn đề.

- Với các bé được điều trị chưa triệt để (chưa loại bỏ nang hoàn toàn) nên được theo dõi định kì bằng siêu âm và khám ngay khi có vấn đề gì lạ.

6. Tài liệu tham khảo

1. Mark D. Stringer (2006), Gastrointestinal Duplications, Pediatric Surgery, pp:239-256

2. Lewis Spitz and Arnold G Coran (2013), Operative Pediatric Surgery.