RÒ TRƯỚC TAI (RÒ LUÂN NHĨ)

I. ĐỊNH NGHĨA

Rò trước tai (rò luân nhĩ) là dị tật bẩm sinh trong thời kỳ phôi thai do các cung mang hình thành những nụ, các nụ này kết hợp không hoàn chỉnh để lại các đường rò, biểu hiện bằng lỗ rò + đường rò trước tai.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán

  • Hỏi tiền sử có lỗ rò trước tai lúc mới sinh, tiết dịch chảy mủ.
  • Tìm lỗ rò trước tai.
  • Tìm áp xe xung quanh lỗ rò + xa lỗ rò.

2. Chẩn đoán

a. Chẩn đoán xác định: lỗ rò trước tai có từ lúc mới sinh ra.

b. Chẩn đoán phân biệt

  • Nhọt trước tai: không có lỗ rò từ trước.
  • Hạch trước tai áp xe hóa.

III. ĐIỀU TR

1. Nguyên tắc

Lấy trọn đường rò tránh tái phát.

2. Xử trí đặc hiệu

  • ●  Có áp xe hóa:

    • -  Kháng sinh Amoxicillin 75 mg/kg/ngày uống. Nếu dị ứng Amoxicillin, dùng

      Erythromycin 50 mg/kg/ngày. Uống từ 5 ngày đến 7 ngày.

    • -  Giảm đau: Paracetamol 10 mg/kg/6h uống.

    • -  Rạch tháo mủ + nạo ổ áp xe.

  • ●  Ổ áp xe đã lành hoặc không áp xe hóa: mổ lấy trọn đường rò.

3. Xử trí tiếp theo

  • ●  Theo dõi vết mổ, cắt chỉ 7 ngày.

  • ●  Kháng sinh khi có áp xe:

    • -  Tiếp tục kháng sinh uống sau khi mổ lấy rò tới ngày cắt chỉ.

    • -  Kháng sinh theo kháng sinh đồ.

    • -  Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ dùng Cefalexin (uống) 50 mg/kg/ngày

hoặc Erythromycin (uống) 30 mg/kg/ngày.

4. Theo dõi tái khám

Bệnh nhân tái khám mỗi tuần cho đến khi ổn định.

Nguồn: phác đồ nhi đồng 1 - 2015