Di tật thừa ngón tay, ngón chân

Dị tật thừa ngón (polydactyly) (thừa ngón tay hay ngón chân) là dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh đặc trưng bởi việc có thêm các ngón tay hoặc ngón chân phụ, với nhiều kiểu hình bất thường khác nhau. Các ngón thừa thường là một mô nhỏ, có xương mà không có khớp, rất hiếm khi có đủ các chức năng của một ngón tay bình thường. Mặc dù dị tật này không đe dọa đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng đến chức năng của bàn tay, bàn chân, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây ra tự ti, mặc cảm cho trẻ và gia đình và làm giảm chất lượng cuộc sống.

PHÂN LOẠI: Được chia làm 3 loại:

Trước trục (Preaxial polydactyly): ngón cái sinh đôi – Thừa ngón cái


Hình ảnh thừa ngón cái (ngón tay cái phụ, chân cái phụ)

Trung tâm (central polydactyly): hiếm gặp, thừa các ngón ở giữa (ngón trỏ, giữa, nhẫn).

Sau trục (postaxial polydactyly): ngón út sinh đôi.


Hình ảnh thừa ngón út

Trong đó,

Type A: là các trường hợp ngón thừa phát triển gần như hoặc như ngón bình thường

Type B: ngón thừa phát triển kém có thể chỉ là một nhú nhỏ hoặc thừa ngón nhỏ có cuống

ĐIỀU TRỊ:

1. Nguyên tắc chung: cắt bỏ ngón thừa, giữ lại ngón có chức năng tốt hơn và bảo tồn tối đa, hài hòa cả giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ.

2. Đánh giá trước mổ: Cần phải chụp X Quang bàn tay, bàn chân và thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng để có thể phân loại ngón thừa, mức độ thiểu sản của mỗi ngón, độ vững của mỗi khớp, chức năng vận động của ngón… để lựa chọn phương pháp phẫu thuật.

Đối với từng phân loại sẽ có phương pháp phẫu thuật phù hợp. Thông thường, sẽ định hướng điều trị theo phân loại:

Type A: cần phải điều trị phẫu thuật cắt bỏ

Type B: cân nhắc giữa phẫu thuật hoặc thắt gốc ngón làm cho ngón bị hoại tử và sẽ tự rụng sau một thời gian. Và biến chứng hay gặp của những trường hợp này là hay để lại những nhú thịt thừa sau khi ngón thừa rụng gây mất thẩm mỹ đôi khi cần phải phẫu thuật để cắt bỏ.

PHẪU THUẬT

Nguyên tắc điều trị là phẫu thuật cắt bỏ ngón thừa, giữ lại ngón có chức năng tốt hơn, tận dụng tối đa tổ chức của ngón cắt bỏ để tạo hình nhằm mang lại hiệu quả cao nhất về giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ. Khi cắt ngón thừa, chú ý tạo hình dây chằng bên của khớp mà khớp xương của ngón thừa có liên quan, đồng thời chỉnh trục chi để đảm bảo gân gấp và duỗi thẳng trục ngón. Phẫu thuật cắt bỏ được đặt ra với những trường hợp dị tật thừa ngón Type A. Khi phẫu thuật ngón thừa sẽ được cắt bỏ và giữ lại các cấu trúc quan trọng như: dây chằng, gân dạng riêng các ngón và các cấu trúc này sẽ được đính lại và ngón kế cận.


Hình ảnh trước và sau phẫu thuật

Và sau khi phẫu thuật vết mổ sẽ được đóng lại với chỉ khâu vết thương tự tiêu nên bệnh nhi nhỏ tuổi không cần phải cắt chỉ sau mổ.

Bàn tay hoặc chân sau mổ sẽ được bất động bằng nẹp khoảng 3 tuần để bảo vệ gân cơ, dây chằng trong trường hợp có đính lại các cấu trúc này và được theo dõi chăm sóc hướng dẫn tập phục hồi chức năng.

Nên phẫu thuật điều trị vào thời điểm nào?

Về tuổi phẫu thuật, không có phác đồ chung nào về thời gian phẫu thuật cho tất cả dị tật thừa ngón. Nhưng tốt nhất nên điều trị càng sớm càng tốt vì nếu để lâu, sẽ càng khó điều trị và có thể xuất hiện biến chứng. Việc điều trị sớm kịp thời với kết quả tốt sẽ giúp bệnh nhi mau chóng hòa nhập sớm với cộng đồng, gia đình, xã hội để không ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Cân nhắc các yếu tố sau về thời gian phẫu thuật

• Sau 6 tháng tuổi: giảm các nguy cơ về biến chứng gây mê.

• Phục hồi chức năng bàn tay sớm giúp cho quá trình vận động sử dụng trong quá trình phát triển nhận thức.

• Nên phẫu thuật trước độ tuổi trẻ đến trường (tránh sự tự ti của trẻ với bạn bè).

Thạc sĩ. Bác sĩ Hoàng Văn Bảo đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực Ngoại Nhi. Để được tư vấn trực tiếp về bệnh vui lòng liên hệ Hotline 0868 688 838 hoặc cho trẻ đến khám Bs Bảo tại Trung tâm kỹ thuật cao bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội (trong giờ hành chính từ thứ 2 - thứ 6) hoặc tại bệnh viện đa khoa Hà Nội (thứ 7).

Thạc sĩ, Bs Hoàng Văn Bảo

Khoa phẫu thuật nhi BV Xanh Pôn Hà Nội