I. ĐẠI CƯƠNG

  • Xoắn tinh hoàn là xoắn các cấu trúc của thừng tinh, ngăn cản nguồn cung cấp máu gây nên hoại tử hoặc teo tinh hoàn-mào tinh.
  • Nguyên nhân xoắn: do tinh hoàn không được cố định vững chắc. Cơ chế xoắn chưa rõ, có thể do co kéo của cơ nâng tinh hoàn, cơ Dartos và tăng testosteron.
  • Xoắn tinh hoàn gồm có: xoắn ngoài bao tinh mạc (tinh hoàn ẩn) và xoắn trong bao tinh mạc (tinh hoàn không được cố định).
  • Thương tổn tinh hoàn tùy thuộc mức độ và thời gian xoắn. Xoắn nhẹ làm tắc tĩnh mạch dẫn đến phù nề tinh hoàn và gây đau. Xoắn nặng và kéo dài dẫn đến hoại tử tinh hoàn.
  • Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, xử trí muộn thường phải cắt tinh hoàn.

Hình ảnh xoắn tinh hoàn

II. CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán

a. Hỏi bệnh

  • Lý do nhập viện: đau bìu (đau đột ngột, đau dữ dội); bìu sưng tấy đỏ (ở trẻ sơ sinh) có thể kèm đau bụng (20-30%), nôn(20-30%), sốt (16%), tiểu lắt nhắt (4%).
  • Tiền sử: tinh hoàn ẩn?

b. Khám lâm sàng

  • Bìu tấy đỏ tím dần, tinh hoàn căng to, chắc, ấn đau tại tinh hoàn và dọc theo thừng tinh, mất phản xạ da bìu.
  • Một khối căng, nóng, đỏ, đau ở vùng bẹn, khám không thấy tinh hoàn ở bìu (tinh hoàn ẩn).

c. Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm: công thức máu, tổng phân tích nước tiểu.
  • Siêu âm Doppler màu: xác định luồng máu đến tinh hoàn.

2. Chẩn đoán xác định

Dựa vào lâm sàng và siêu âm Doppler màu.

3. Chẩn đoán phân biệt

  • Xoắn phần phụ tinh hoàn.
  • Viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn.
  • U tinh hoàn.
  • Chấn thương bìu.
  • Thoát vị bẹn nghẹt.

III. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc điều trị

  • Giải quyết sớm tình trạng xoắn tinh hoàn nhằm ngăn ngừa tinh hoàn bị hoại tử.
  • Có chỉ định mổ thám sát khi có nghi ngờ xoắn tinh hoàn.

2. Điều trị trước phẫu thuật

  • Dịch truyền, kháng sinh.
  • Xét nghiệm tiền phẫu (công thức máu, TS-TC, tổng phân tích nước tiểu).
  • Dặn nhịn ăn uống chờ phẫu thuật cấp cứu.

3. Điều trị phẫu thuật

a. Nguyên tắc phẫu thuật

  • Giải quyết thương tổn tinh hoàn bị xoắn.
  • Cố định tinh hoàn đối bên.

b. Kỹ thuật mổ

  • Rạch da: theo đường dọc giữa bìu (tinh hoàn ở bìu) hoặc đường nếp bụng thấp nhất vùng bẹn (tinh hoàn ẩn).
  • Đưa tinh hoàn ra ngoài và tháo xoắn: đánh giá tình trạng tinh hoàn dựa vào màu sắc tinh hoàn và máu chảy qua đường rạch bao tinh mạc.
  • Giữ tinh hoàn: tinh hoàn hồng trở lại sau khi đắp ấm khoảng 30 phút. cố định tinh hoàn vào cơ Dartos bằng chỉ không tan ở các vị trí trước, sau và hai bên.
  • Cắt bỏ tinh hoàn: tinh hoàn bị hoại tử hoặc không có khả năng hồi phục.
  • Cố định tinh hoàn bên đối diện: để tránh xoắn về sau.

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

1. Theo dõi

  • Nhiễm trùng.
  • Hoại tử tinh hoàn, teo tinh hoàn sau mổ tháo xoắn giữ tinh hoàn.
  • Xoắn tinh hoàn tái phát.

2. Tái khám: 1 tháng, 3 tháng; 6 tháng. Tái khám đánh giá kết quả điều trị; theo dõi và xử lý biến

chứng, theo dõi tình trạng tinh hoàn còn lại.

 

Nguồn: Pháp đồ nhi đồng 1 (2013)

Thạc sĩ Hoàng Văn Bảo