TEO MẬT

Teo mật là nguyên nhân thường gặp gây vàng da tắc mật ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh cần được phát hiện và điều trị phẫu thuật càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước 2 tháng tuổi. Nếu không được phẫu thuật bệnh nhân sẽ chết trước 2 tuổi do suy gan và các biến chứng của xơ gan.

1. Teo mật là gì?

Teo mật là sự gián đoạn của đường mật làm tắc nghẽn sự lưu thông mật (hình 1).

Bệnh gặp ở trên toàn thế giới, với tỷ lệ mắc 1/10000 – 1/16700 trẻ sinh ra sống. Trong đó các nước châu Á có tỷ lệ mắc cao nhất. Trẻ gái mắc bệnh nhiều hơn trẻ trai.

2. Nguyên nhân gây teo mật

     Hiện tại vẫn còn chưa rõ nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của teo mật (TM).

     Các giả thuyết về di truyền, rối loạn trong miễn dịch, yếu tố nhiễm trùng (đặc biệt là virus) đã được đưa ra nhưng chưa giả thuyết nào được chứng minh.

3. Các dấu biểu hiện của teo mật.

Tất cả các trẻ sơ sinh có triệu chứng vàng da kéo dài trên 2 tuần, kèm theo phân bạc màu cần phải được tích cực chẩn đoán để phát hiện teo mật sớm nhất có thể, vì để càng muộn, tiên lượng của BN càng nặng.

- Trẻ bị teo mật thường là các trẻ đẻ đủ tháng và khoẻ mạnh

- Đa số các trẻ TM có phân su bình thường sau đẻ và khoảng một nửa các trẻ này tiếp tục có phân vàng một thời gian ngắn. Sau đó phân trở nên bạc màu tăng dần.

- Vàng da thường xuất hiện rõ vài tuần sau sinh nhưng cũng có trẻ bị vàng da ngay từ thời kỳ sơ sinh. Vàng da tăng dần (hình2).

- Nước tiểu sậm màu.

- Giai đoạn muộn có thể phát hiện các biểu hiện của xơ gan : gan trở nên to và chắc, xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, lách to, suy dinh dưỡng, thiếu máu, chậm hoặc dừng phát triển. Có thể có xuất huyết não do rối loạn chức năng đông máu (giảm tỷ lệ prothrombin) hoặc chảy máu thực quản do tăng áp lực tĩnh mạch cửa (hình 3).

Xét nghiệm cần là:

- Siêu âm gan mật: thấy hình ảnh túi mật teo nhỏ hoặc không thấy, kích thước túi mật không thay đổi trước và sau bú, đường mật trong gan không giãn, hình ảnh xơ rốn gan.

- Xét nghiệm chức năng gan

- Mổ thăm dò (nội soi hoặc mổ mở): hiện tại không có một phương pháp hoặc kết hợp giữa các phương pháp nào hoàn toàn chính xác chẩn đoán teo mật trước mổ. Do đó chẩn đoán xác định bằng phẫu thuật thăm dò (kết hợp với chụp đường mật trong mổ) là bước cuối cùng để xác định chẩn đoán teo mật.

4. Thời điểm phẫu thuật

Teo mật cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt vì thời gian 2 tháng tuổi được coi là một mốc vàng trong điều trị. Bệnh nhân được mổ trước 2 tháng tuổi có tiên lượng tốt hơn nhiều so với bệnh nhân mổ sau 2 tháng tuổi.

Do đó trong các trường hợp chẩn đoán khó khăn, mổ thăm dò được sử dụng ngày càng nhiều để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

5. Phương pháp phẫu thuật

Mục đích của phẫu thuật: giải phóng mật khỏi ứ trong gan, bằng cách đưa quai ruột lên để dẫn mật xuống ruột. Nhờ đó mà ngăn chặn, làm chậm quá trình suy gan.

Phẫu thuật có thể được tiến hành bằng mổ mở hay nội soi. Hiện tại ở Việt Nam PGS Trần Ngọc Sơn là chuyên gia hàng đầu về mổ teo mật và cũng là người duy nhất mổ teo mật bằng phường pháp nội soi.

PGS Trần Ngọc Sơn với kinh nghiệm hơn hai mươi năm phẫu thuật ngoại nhi, đã tiến hành phẫu thuật hơn 200 ca bệnh nhân teo mật cả mổ mở và mổ nội soi. Nhờ đó mà nhiều bệnh nhi teo mật đã được cứu sống và có cuộc sống lâu dài.

6. Theo dõi và điều trị sau phẫu thuật

Các trẻ sau phẫu thuật teo mật cần được dùng thuốc theo đơn, tái khám và theo dõi định kỳ 3 tháng một lần.

7. Khi phát hiện trẻ vàng da kéo dài trên 2 tuần tuổi kèm theo phân bạc màu cha mẹ có thể đưa bé khám tại Khoa ngoại nhi Bệnh Viện Đa Khoa Xanh Pôn Hà Nội để được khám và tư vấn.

Thạc sĩ Hoàng Văn Bảo

Khoa Phẫu thuật nhi BV Xanh Pôn Hà Nội

ĐT: 0868 688 838