VIÊM RUỘT THỪA

Viêm ruột thừa là cấp cứu thường gặp, bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Định nghĩa

       Ruột thừa là một bộ phận nhỏ như ngón tay cái nằm ở phía dưới bên phải của bụng (90% ruột thừa nằm ở hố chậu phải), có một đầu bịt kín, một đầu thông với manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Nếu vì một nguyên nhân nào đó làm cho lòng ruột thừa bị tắc nghẽn (do sỏi phân, do phì đại quá mức tổ chức bạch huyết ở thành ruột thừa, dị vật…) sẽ khiến cho ruột thừa sưng lên và nhiễm trùng, tạo thành ruột thừa viêm.

2. Xuất độ

  • Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi
  • Thường gặp từ 11-12 tuổi
  • Ít xảy ra < 5 tuổi (5%)
  • Hiếm khi xảy ra  < 1 tuổi
  • Nam > nữ (nam: 9%, nữ: 7%)

3. Nguyên nhân

  • Tắc nghẽn trong lòng ruột thừa là khởi đầu của viêm ruột thừa
  • Phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc (60%)
  • Sỏi phân (35%)
  • Vật lạ, nhiễm khuẩn (4%): hạt nhỏ trái cây, Yersinia, Salmonella, Shigella; virus: sởi, thủy đậu; ký sinh trùng: giun đũa
  • Do bướu thành ruột thừa hay thành manh tràng đè vào (1%)

4. Triệu chứng

       Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau vùng bụng dưới bên phải (còn gọi là hố chậu phải). Kiểu đau của viêm ruột thừa thường bắt đầu ở vùng quanh rốn trước khi khu trú ở hố chậu phải. Tuy nhiên với trẻ em, điểm đau rất khó xác định vì trẻ đa phần gặp bác sĩ là sợ, kêu khóc, không miêu tả được là đau ở đâu, thậm chí khám bụng chỗ nào cũng kêu đau. Trẻ bị viêm ruột thừa thường có môi khô, lưỡi dơ biểu hiện tình trạng nhiễm trùng. Phần lớn trẻ có sốt nhẹ, giao động 38-38,5 độ C nhưng có khi trẻ không có triệu chứng này, chỉ khi đoạn ruột thừa viêm bị vỡ thì mới sốt. Ngoài ra, bé sẽ có tình trạng mệt mỏi, chán ăn, bụng chướng do ruột bị kích thích kèm theo buồn nôn, nôn. Tiêu chảy có thể có hoặc không, nhưng nếu có sẽ làm tăng khả năng chẩn đoán. Biểu hiện nôn và tiêu chảy ở trẻ viêm ruột thừa cũng dễ bị nhầm với rối loạn tiêu hóa do những nguyên nhân khác.

5. Quy trình chẩn đoán

  • Thăm khám và theo dõi diễn tiến lâm sàng là yếu tố quan trọng nhất để chẩn đoán và chỉ định phẫu thuật.
  • Hỏi bệnh: đau bụng?  Triệu chứng đi kèm?
  • Khám lâm sàng: việc thăm khám bụng đóng vai trò quan trọng giúp chẩn đoán bệnh và chỉ định phẫu thuật. Trong nhiều trường hợp, việc thăm khám cần phải được thực hiện nhiều lẩn
  • Cận lâm sàng: xét nghiệm máu (bạch cầu >10.000, đa nhân trung tính chiếm ưu thế), siêu âm bụng (đường kính ruột thừa >6mm, sỏi phân trong lòng ruột thừa…) góp phần chẩn đoán cũng như giúp loại trừ những nguyên nhân khác, CTscan bụng đôi khi được chỉ định trong những tình huống khó chẩn đoán nhất là khi có nhiều bệnh phối hợp.

6. Cách thức điều trị

Trước mổ

  • Viêm ruột thừa chưa có biến chứng: dừng kháng sinh phổ rộng ngay khi có chẩn đoán
  • Viêm ruột thừa đã có biến chứng: kháng sinh phổ rộng đường toàn thân cho cả Gram (-) và yếm khí (thường là phối hợp kháng sinh)

Phẫu thuật

  • Mổ mở hoặc mổ nội soi. Phẫu thuật nội soi mang lại nhiều ưu điểm hơn: thẩm mỹ, rút ngắn thời gian bắt đầu cho ăn và nằm viện, gỉảm nguy cơ và mức độ nhiểm trùng vết mổ, dễ dàng thám sát toàn ổ bụng...
  • Hiện tại khoa ngoại nhi bệnh viên Xanh Pôn triển khai mổ nội soi 1 lỗ điều trị viêm ruột thừa, đây là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện này với nhiều ưu điểm hơn nội soi thông thường: bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, đau ít hơn và không để lại sẹo sau mổ.
  • Viêm ruột thừa chưa có biến chứng: cắt ruột thừa
  • Viêm phúc mạc khu trú: cắt ruột thừa, lau hoặc rửa bụng, có thể dẫn lưu ổ bụng
  • Viêm phúc mạc toàn thể: cắt ruột thừa, rửa và dẫn lưu ổ bụng
  • Áp xe  ruột thừa: cắt ruột thừa, rửa và dẫn lưu ổ bụng

              

Hình 1: Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa

7. Chăm sóc sau mổ

  • Sớm cho trẻ tập vận động trở lại để tránh biến chứng dính ruột, và ruột sớm hoạt động trở lại
  • Kháng sinh điều trị tiếp tục ít nhất 5-7 ngày sau mổ và khi lâm sàng ổn định trong viêm ruột thừa có biến chứng
  • Ăn uống lại sau 6 giờ đối với viêm ruột thừa chưa có biến chứng
  • Viêm phúc mạc toàn thể ăn uống lại sau khi ruột hoạt động trở lại
  • Dẫn lưu ổ bụng thường được rút sớm sau 48 giờ và không nên lưu quá 5 ngày

              ns1lỗ  

Hình 2: Sau mổ nội soi 1 lỗ

8. Biến chứng

  • Nhiễm trùng: vết mổ, áp xe tồn lưu
  • Chảy máu sau phẫu thuật
  • Bung chỉ cột mỏm ruột thừa
  • Tắc ruột...

9. Tái khám

  • Sau 1 tuần xuất viện
  • Sau xuất viện nếu bệnh nhân đau bụng, bụng chướng, nôn ói thì, sốt cao… phải nhập viện ngay.

10. Tài liệu tham khảo

  • Phác đồ điều trị bệnh viện Nhi Đồng 1
  • Operative Pediatric Surgery 7th (2014)
  • Arnold G. Coran Appendicitis , Pediatric Surgery, seventh edition
  • http://phauthuatnhi.vn